LOADING

Type to search

Tiếng Việt

( Lá thư trễ cho ngày của bố) – Điều buồn nhất trong lễ tốt nghiệp của con.

Graphic Credit: Sana Kewalramani

English version available here

Lễ tốt nghiệp của một du học sinh không chỉ đơn giản là chuyện ngày một ngày hai mà nó là cả một dự án được chuẩn bị công phu trong vài tháng. Bạn sẽ phải kiêm nhiều vai trò trong dự án đó từ phiên dịch viên, hướng dẫn viên, vác đồ và cuối cùng mới đến sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Mẹ tôi chưa bao giờ đến nước Mỹ, bà cũng chưa bao giờ ngồi trên máy bay lâu hơn 6 tiếng.  Việc ngồi trên máy bay hơn gần 22 tiếng sẽ là một chuyến đi khó khăn cho bố mẹ tôi. Nhưng họ biết rằng, điểm đến của chuyến bay đó sẽ luôn có tôi đứng chờ.

Một chuyến đi dự lễ tốt nghiệp sẽ kéo dài từ 10 -14 ngày, tuy nhiên lễ tốt nghiệp của tôi sẽ chỉ được  2 ngày và 10 ngày còn lại sẽ được tập trung du lịch và khám phá nước Mỹ. Một lí do hoàn hảo để tiện đi du lịch. Nhưng tôi sẽ không đưa bố mẹ  tới những nơi đông khách du lịch hay đến những địa điểm nổi tiếng. Nơi tôi giới thiệu bố mẹ tới sẽ là những nơi của riêng tôi. Tôi sẽ đưa họ đến tòa nhà thị chính vào một buổi chiều vắng người, kể cho họ về cảm giác bồn chồn tôi lưu giữ 4 năm nay bất kể khi nào đi qua tòa nhà này. Tôi sẽ dẫn họ đến một quán bar nhỏ giao nhau giữa đường Benjamin Parkway nơi qua cửa sổ nhỏ họ có thể nhìn toàn cảnh thành phố, nhìn thấy bảo tàng nghệ thuật của Philadelphia, một biểu tượng đẹp của thành phố này. Tôi sẽ đưa họ tới những nơi mà tôi gọi là Philly của tôi, chỉ tôi biết và tôi yêu. Kể  cho họ về cái nét đẹp của thành phố tôi đang ở.

Đương nhiên trong đó phòng của tôi là một địa danh bố tôi yêu cầu được xem. Tôi tưởng tượng lần đầu tiên ông bước vào nhà của tôi sẽ như nghệ sĩ Quốc Trung với cái lắc đầu nổi tiếng cho từng tiết mục trên Vietnam Idol. Cửa mở, phòng khách ( hay ít nhất là tôi cho nó là phòng khách) sẽ là điểm dừng chân đầu tiên, còn với bố sẽ khá giống thảm họa sau chiến tranh. Tiếp đến là phòng ăn, nơi ông sẽ tưởng như là phòng thí nghiệm hóa học nào đó. Điểm đến cuối cùng sẽ là phòng tôi và có lẽ cũng sẽ là đỉnh điểm của sự chịu đựng của ông. Mười phút tiếp theo sẽ được dành cho lên lớp về giữ gìn sạch sẽ và hai mươi phút sau đó bố tôi sẽ cách mạng hóa cả căn nhà tôi đang ở. Đây là hình ảnh mà 18 năm qua tôi đã sống qua, một chương trình truyền hình thực tế với sự kết hợp của Marie Kondo và Gordan Ramsay. Tình cảm với bố tôi không đến từ những cái ôm hay cái hôn mà là từ sự chú ý đến những điều nhỏ nhặt nhất, những chi tiết đời thường trong cuộc sống. Ông gần như chưa bao giờ nói chữ “yêu” với tôi nhưng chắc chắn ông chưa bao giờ quên nhắc tối để đồ lại  đúng nơi quy định. Đấy là cách mà ông quan tâm tôi.

Tua nhanh đến phần sau của chuyến du lịch, có lẽ điểm đầu tiên sau lễ tốt nghiệp sẽ là thành phố New York. Tôi muốn cho mẹ chiêm ngưỡng và kiểm chứng những câu chuyện mà bà đã nghe trong cuộc đời về sự tráng lệ của thành phố New York? Liệu những câu chuyện có sống đúng với hiện thực mà bà đang nhìn thấy?

Một phần lớn những bố mẹ có con đi du học thường chưa bao giờ đặt chân đến Mỹ, và bạn sẽ ngạc nhiên số lượng đó nhiều thế nào. Bạn có một cơ hội để kể cho họ về đất nước mà họ thường được nghe đến. Khi họ vừa đáp sân bay, khi vẫn còn lúng tùng và lơ mơ về mảnh đất này bạn có thể dõng dạc tuyên bố “ hãy cứ để con, con sẽ lo hết mọi thứ bố mẹ hãy cứ tận hưởng chuyến đi này” Lần đầu tiên trong cuộc sống bạn có cảm giác bạn được là người dẫn đầu, cảm giác bạn biết nhiều hơn bố mẹ mình, hay nói từ hơi hách dịch là bị quản lý. Một sự độc lập mới mẻ và thú vị.

Nhưng đây là chính là điều bố mẹ tôi muốn. Điều lạ là sau hơn nửa cuộc đời họ lại chưa bao giờ có ý định bay đến Mỹ cho đến khi tôi tốt nghiệp. Với học phí mà họ chi trả cho tôi đi du học, họ có thể bay đến Mỹ hai lần mỗi tháng. Vì với họ đầu tư vào du lịch sẽ mang lại sự trải nghiệm cho ta nhưng đầu tư vào giáo dục là đầu tư vào sự thay đổi của một con người. Nó là đầu tư vào tương lai và lý do họ đến Mỹ không phải vì để đi du lịch mà vì lẽ họ muốn xem về cuộc sống của tôi bên này ra sao. “ Cuộc sống dạo này con ra sao?” Tôi tưởng tượng câu nói bố sẽ hỏi

Du học sinh có lẽ là minh chứng rõ nhất cho câu “ Cuộc sống là do những gì mình tạo ra” Họ phải tạo lập một cuộc sống hoàn toàn mới bằng chính bản thân mình. Ngoài những trải nghiệm mới mà bất kì sinh viên nào phải trải qua, du học sinh đồng thời cũng phải thích nghi với văn hóa mới, ngôn ngữ, môi trường mới mà khác hoàn toàn với những gì họ từng trải qua,  đôi lúc đó là thích nghi với sự cô đơn và lạc lõng. Nhưng nó là khởi đầu của một cuộc sống độc lập là chặng đường mà ai cũng sẽ phải đi qua,vì thế sau 4 năm tôi muốn kể cho bố nghe về cuộc sống mới của tôi và tôi đã trưởng thành ra sao.

Điểm cao trào của chuyến đi Mỹ của bố mẹ tôi sẽ là lúc tôi bước lên bục nhận bằng tốt nghiệp. Mặc dù khoảnh khắc nhận bằng đó chỉ kéo dài có 5 giây tùy theo tôi bước nhanh hay chậm  trên sân khấu nhưng với tôi nó chứa đầy sự tự hào. Và đâu đó tôi biết rằng trong khán đài, có hai người sẽ còn tự hào hơn tôi.

Nhưng khi cuộc sống là những điều ta cố tạo ra thì thực tại lại là sự trớ trêu phá vỡ cuộc sống đó. Và lần này thực tại đó mang tên Coronavirus. Tất cả những điều tôi kể trên đều tan vỡ khi gặp thực tại này. Nó sẽ chỉ luôn là mộng tưởng của tôi. Ngày tốt nghiệp của tôi được diễn ra trên giường nhìn qua màn hình máy tính, những lời chúc mừng được ghi và chiếu lại, những câu chúc về những thành quả 4 năm của chúng tôi. Những câu chúc đó vẫn không thể thay thế được ánh mắt mà bố mẹ nhìn tôi trong lễ tốt nghiệp.

COVID 19 đã cướp đi khoảnh khắc đó từ tôi, cướp đi những kỉ niệm đẹp mà đáng nhẽ xảy ra. Những điều tôi kể trên chỉ tồn tại trong suy nghĩ của tôi và nó chắc sẽ nằm mãi trong đấy. Dù biết ngày của bố đã qua, nhưng tôi vẫn muốn gửi ông những lời nói mà tôi muốn nói trong ngày tốt nghiệp đó.

Trong cả tháng qua, những cuộc nói chuyện của tôi và bố mẹ chỉ xoay quanh việc “con dạo này sao? ổn hơn không?” Tôi không  suy nghĩ mấy và trả lời “ con ổn, bình thường”. Trớ trêu cho chữ “bình thường” đó vì bốn năm qua, có nhiều điều tôi muốn cho bố mẹ thấy, nhưng bình thường chắc chắn không phải trong đó.

10,000 cây số là khoảng cách giữa Viêt Nam và Mỹ, qua những cuộc gọi về nhà. Một câu nói mà được lặp lại rất nhiều là nếu “con chán nước Mỹ, nếu con cô đơn hay lạc lõng, nếu con mệt mỏi về xã hội mà cảm thấy không thuộc về mình hãy cứ về nhà, đừng bao giờ sợ về nhà. Chưa một lần nào tôi gật đầu đồng ý khi nghe câu nói đó. Giờ tôi mới nhận ra  họ đã tạo ra một nơi an toàn rằng dù tôi  dù tôi đi bao xa, muốn bay cao bao nhiêu, ngã đau thế nào sẽ luôn có một nơi gọi là nhà để về, một người luôn yêu tôi gọi là bố.

***

Bố, con không còn là cậu bé với cái phòng bừa bộn mà giờ đã trở thành một chàng thanh niên tự tin về bản thân và năng lực của mình – nhưng vẫn sẽ giữ cái phòng bừa bộn đấy. Phòng con sẽ không bao giờ sạch sẽ trong mắt bố, nhưng con muốn nói rằng việc con trưởng thành và sống hạnh phúc được tại đất nước này vì lẽ bố là người đã cho con cơ hội và dạy con những điều căn bản để làm người và hơn thế nữa là tình cảm được tạo bởi sự an toàn rằng dù đi xa bao nhiêu con sẽ luôn có một nơi để trở về.

😀 Con biết khi bố đọc bài này, điều đầu tiên bố nghĩ tới sẽ là bố cục bài viết, súc tích hay không, câu văn có lủng củng, từ ngữ có đặt đúng chỗ. Khả năng cao bố sẽ bắt con viết lại. Nhưng trước khi bố phê bình, con muốn bố biết rằng bài văn lủng củng này đang cố diễn tả cảm xúc con đang trải qua hiện nay.

Điều buồn nhất trong lễ tốt nghiệp của con là bố không có ở đây!

Thực tế đó không thể thay đổi,  dù con đã mong ước cài ngày đó đến thế nào. Ngày con cho bố xem cuộc sống con tự tạo lập ra sao bên này. Covid tuy tước đi khoảnh khắc đó nhưng đâu vấn  đề gì, con rồi sẽ tự tạo lập lại cuộc sống một lần nữa. Con biết con làm được đơn giản vì con là con của bố và thật tự hào là con là con của bố. Bố hãy đợi đến một ngày khi con tự tin nói với bố rằng “ cứ để con, con sẽ lo được mọi thứ”

Chúc mừng ngày của bố!